Để Chụp ảnh Phong Cảnh Đẹp

Ngày đăng: 17/08/2010
Khi sắm máy ảnh kỹ thuật số thì ai cũng hướng đến việc chụp lưu niệm gia đình bạn bè. Sau một thời gian chơi ảnh, chúng ta lại bắt đầu thử sức ở những thể loại ảnh mới như: chụp ảnh macro (đặc tả), ảnh thiên nhiên, ảnh du lịch, ảnh bộ, ảnh phong cảnh...

Khi sắm máy ảnh kỹ thuật số thì ai cũng hướng đến việc chụp lưu niệm gia đình bạn bè. Sau một thời gian chơi ảnh, chúng ta lại bắt đầu thử sức ở những thể loại ảnh mới như: chụp ảnh macro (đặc tả), ảnh thiên nhiên, ảnh du lịch, ảnh bộ, ảnh phong cảnh... Trong bài viết này, "góc chuyên gia" của "Khoảnh khắc số" sẽ cùng bạn đọc trao đổi một số nguyên tắc sao cho chụp ảnh phong cảnh đẹp mà bất kỳ máy ảnh số nào cũng có thể thực hiện được.

1. Chụp với chế độ chụp file RAW

Không phải tất cả máy ảnh đều có thể chụp được file RAW. Một số máy ảnh compact sẽ có chế độ chụp file RAW và máy DSLR luôn có chế độ chụp này. File RAW sẽ chiếm dung lượng thẻ nhớ của bạn nhiều hơn so với file JPEG, nhưng bù lại nó cho phép bạn xử lý ảnh sâu hơn. Để xử lý file RAW bạn có thể dùng Photoshop hay một phần mềm bán kèm với máy ảnh số. Với file RAW, bạn có thể can thiệp vào việc điều chỉnh thiếu sáng, dư sáng, nhiệt độ màu, độ sắc nét, độ rực màu của ảnh....Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thường chụp ở chế độ file RAW + JPEG, có nghĩa là mỗi ảnh khi chụp sẽ được 2 file một lúc. File JPEG sẽ giúp view hình nhanh, và khi có file yêu thích, ta có thể chọn file RAW để xử lý cho tốt hơn.

Chup anh phong canh_H1.jpg
Ảnh chụp là file JPEG và không chỉnh sửa

Chup anh phong canh_H2.jpg
Ảnh chụp là file RAW và dùng phần mền Photoshop để xử lý giúp cho vùng bóng râm được sáng lên

2. Chụp vào thời điểm hoàng hôn và bình minh

Đây là thời điểm mà bầu trời thường có màu sắc khá đẹp, ánh sáng xiên làm cho vật thể có bóng đổ dài. Mặt trời mọc và lặn với ánh sáng dịu thường xuất hiện rất nhanh chỉ vào khoảng 3 phút. Vì vậy, bạn phải chuẩn bị sẵn vị trí đặt máy trước đó để có thể chụp liền. Thời gian mọc và lặn của mặt trời sẽ xê dịch tùy theo mùa, theo tháng. Nếu có thể, bạn nên bỏ ra vài ngày đến một địa điểm chỉ để chụp hoàng hôn hay bình minh vì như vậy mới có thể làm quen được ánh sáng và vị trí chụp. Hãy chụp cảnh hoàng hôn và bình minh mọi lúc có thể, chưa biết là bạn sẽ có ảnh đẹp hay không, nhưng chắc chắn bạn sẽ được ngắm những khoảnh khắc đẹp và lãng mạn nhất trong ngày.

Chup anh phong canh_H3.jpg
Ảnh chụp vào thời điểm gần 6g sáng, lúc này ánh sáng xiên qua tàng lá tạo bóng đổ và những vùng tối sáng cho hình

3. Sử dụng chân máy

Thông thường khi chụp ảnh phong cảnh chúng ta sẽ đóng khẩu độ tối đa để đạt được độ sâu ảnh trường hết mức có thể. Lúc này, bạn sẽ cần phải hạ tốc độ và vì vậy để tránh rung máy thì một chiếc chân luôn là cần thiết.

Ngoài ra, khi chụp ảnh với việc cầm máy ảnh trên tay, chúng ta sẽ chụp tương đối nhanh và thay đổi góc máy liên tục. Với việc đặt máy lên chân, bạn sẽ chụp chậm hơn và cũng chú ý đến bố cục hơn. Với chụp ảnh phong cảnh thì việc chụp chậm kết hợp đường nét, màu sắc, ánh sáng sẽ tạo nên vẻ đẹp của ảnh. Nó không đòi hỏi bạn phải chụp nhanh như ảnh thể thao, mà sự kiên nhẫn và sáng tạo mới quyết định được mức độ thành công của tấm ảnh.

Chup anh phong canh_H4.jpg
Ảnh chụp chậm để diễn tả sự chuyển động của nước. Ảnh loại này khi chụp luôn cần chân máy. Ảnh chụp với tốc độ 1/30s, khẩu độ f/22, ISO 200

4. Chọn bố cục 1/3

Đối với những ai đã chụp ảnh nhiều và yêu thích sự sáng tạo thì bố cục sẽ không hoàn toàn theo khuôn khổ nào hết. Tuy nhiên, bố cục một phần ba luôn là bố cục căn bản mà ai cũng phải nhớ khi chụp ảnh. Nó cũng không có gì là phức tạp, bạn chỉ cần chia khung ngắm ảnh của mình làm 3 phần bằng nhau về chiều ngang lẫn chiều dọc. Những đường này được gọi là đường mạnh, giao điểm của những đường này là điểm mạnh. Khi chụp ảnh phong cảnh, bạn nên đặt đường chân trời vào đường mạnh hay đặt chủ để của mình vào những điểm mạnh. Dùng máy ảnh số thì bạn hãy chụp thật nhiều, với một số tấm bạn hãy chụp theo bố cục 1/3 (ví dụ đặt đường chân trời ở 1/3 phía trên hoặc phía dưới khung ảnh), những tấm khác bạn hãy chụp theo bất kỳ bố cục nào mà bạn yêu thích. Sau đó, khi về nhà bạn cứ chép hết ảnh vào máy tính rồi từ từ nghiền ngẫm, chắc chắn bạn sẽ có được tấm yêu thích nhất với những lựa chọn của mình.

Chup anh phong canh_H5.jpg
Bạn có thể vẽ những đường tưởng tượng trong khung ngắm của mình và đặt chủ đề, đường chân trời... vào những điểm mạnh, đường mạnh trong ảnh

5. Hãy nhìn chung quanh

Nếu bạn yêu thích một cảnh nào đó thì bạn có thể quay trở lại nhiều lần để chụp vào nhiều thời điểm khác nhau để chọn ra một tấm ưng ý về ánh sáng và bố cục. Tuy nhiên khi chụp cảnh bạn yêu thích, thì bạn cũng nên nhìn chung quanh để ghi lại những góc độ khác nữa. Ví dụ bạn chuẩn bị vị trí và thời gian thích hợp để chụp một ảnh mặt trời lặn trên biển nhưng sau lưng bạn là một rặng núi thì bạn cũng chụp thêm phong cảnh núi. Đây chỉ là một ví dụ nhằm nhắc bạn nhớ về việc đa dạng trong cách suy nghĩ và lựa chọn chủ đề để chụp.

Chup anh phong canh_H6.jpg
Mục đích ban đầu của tôi chỉ chụp phong cảnh sáng sớm trên Hồ Xuân Hương

Chup anh phong canh_H7.jpg
Trong khi chụp toàn cảnh, quan sát thấy những tia nắng sớm len lỏi chiếu sáng lên những ngọn cỏ, nên tôi chuyển sang chụp ảnh cận cảnh

6. Nhớ đi chụp thường xuyên

"Văn ôn, võ luyện" là điều có thể áp dụng trong việc chụp ảnh. Đi nhiều, chụp nhiều sẽ giúp người chụp lên tay. Bạn sẽ rất nhanh nhạy trong việc chọn góc độ, ánh sáng, thời điểm... để chụp cho mình những tấm ưng ý. Đi chụp ảnh thường xuyên là điều kiện nghe có vẻ dễ dàng nhưng không hoàn toàn thích hợp với mọi người. Một số người phải làm việc giờ hành chánh chẳng hạn thì ngày nghỉ chỉ còn là chủ nhật. Nếu chọn ngày nghỉ này để chụp hình thì bạn cứ lên đường cho dù là trời thời tiết xấu, hay mưa dầm. Hãy nghĩ là có thể bạn chụp được những khoảnh khắc mưa hay sấm chớp chẳng hạn.

Trang St - Ngùôn tinhphoto.com


Gửi bình luận

Gửi Làm lại

0.04310 sec| 1391.039 kb