Cân Bằng Trong Nhiếp Ảnh

Ngày đăng: 17/08/2010
Trong cuộc sống chúng ta điều rất cần thiết là phải giữ mọi thứ cho cân bằng. Trong nhiếp ảnh cũng vậy, giữ cân bằng trong một tấm hình là điều thật tuyệt vời và khá cần thiết.

Trong cuộc sống chúng ta điều rất cần thiết là phải giữ mọi thứ cho cân bằng. Chắc hẳn các bạn đang cố gắng giữ cân bằng chi tiêu tiền bạc. Còn nếu gặp bác sĩ thì luôn khuyên ta phải giữ cân bằng cho sức khoẻ. Trong học tập hay làm việc thì phải cân bằng với sinh hoạt giải trí. Các cụ thì hay khuyên chúng ta giữ bình an (cũng là cân bằng) trong tâm hồn... Trong nhiếp ảnh cũng vậy, giữ cân bằng trong một tấm hình là điều thật tuyệt vời và khá cần thiết.

1. Cân bằng trong bố cục
Giữ cân bằng trong bố cục là một trong những nguyên tắc đầu tiên đem lại thành công cho tấm hình. Nếu yếu tố phụ mà chiếm phần lớn diện tích hoặc nằm ở đường mạnh, điểm mạnh trong ảnh thì sẽ làm ảnh mất cân đối. Việc mất cân đối sẽ làm nặng tấm hình và hướng mắt người xem vào khu vực đó nên không nhận được chủ đề chính trong ảnh. Điều này làm giảm tính thông điệp của tấm ảnh.
Một lưu ý là cân bằng không có nghĩa là bạn phải chia hình theo một tỉ lệ 1/2 và làm đối xứng hoàn toàn.

2. Cân bằng về màu sắc
Cân bằng về màu sắc cũng có thể gọi là cân bằng về tông màu. Các màu đều ngả theo một tông màu lạnh, hoặc một tông màu nóng, và cũng có thể là sự kết hợp của cả hai. Ví dụ bạn chụp một bãi biển xanh dương gần một triền núi phủ đầy màu xanh lá cây với một bầu trời xanh lơ sẽ tạo một tông màu lạnh và đem lại cảm giác mát mẻ cho người xem. Việc có quá nhiều màu sắc nóng lạnh trong một tấm hình sẽ làm người xem bối rối và không phân biệt được chính phụ.

3. Cân bằng về sắc độ
Sắc độ trong một tấm hình không nên tương phản quá mạnh giữa vùng sáng nhất và tối nhất. Trong vùng sáng nhất và tối nhất cần thiết là vẫn còn thấy chi tiết mờ mờ.
Trong một số trường hợp ta không hoàn toàn áp dụng nguyên tắc này để cho hiệu quả kỹ thuật khi ảnh toàn một tông màu sáng sắc độ nhẹ hoặc một tông màu tối sắc độ nặng.
Một điều cần lưu ý là các vùng sáng trong ảnh luôn gây sự chú ý hơn các vùng tối.

4. Cân bằng đường nét
Cân bằng đường nét cũng tương tự như cân bằng trong bố cục, đây là dạng cân bằng hình học. Việc này bao gồm việc liên kết các yếu tố trong ảnh tạo nên những đường nét như đường cong chữ S, hình tam giác, hình tròn, hình chữ nhật...Các đường nét này bạn có thể dễ dàng nhận ra qua hình dáng hay cũng có thể là do liên kết tưởng tượng khi các yếu tố nằm cạnh nhau tạo nên.
Một tấm hình cân bằng lý tưởng tạo nên là do việc sắp xếp các hình dáng, màu sắc cũng như các vùng sáng tối trên ảnh... Dĩ nhiên để thoả mãn hết những điều kiện này là một việc không dễ dàng. Tuy nhiên bằng việc chụp nhiều hình, nắm rõ nguyên tắc và một chút may mắn, bạn sẽ có những tấm ưng ý.


Hình 1: Hình được cân bằng về màu sắc và sắc độ khi có một tông màu mát nhưng vẫn điểm xuyến nhưng điểm màu nóng. Ngoài ra hình vẫn giữ được sắc độ tốt khi các vùng sáng hoặc tối vẫn còn giữ chi tiết

Hình 2: hình được cân bằng theo đường nét khi áp dụng các đường nét trong hình học, những mảng trong hình được chia theo khu vực từng cặp.

Trang St - Nguồn tinhphoto.com



Gửi bình luận

Gửi Làm lại

0.06048 sec| 1353.984 kb