Câu chuyện đầu năm: Người thầy nghèo và bảy đứa con nuôi

Ngày đăng: 16/04/2019
Cuộc sống hiện đại sung túc, với mỗi chúng ta một bữa tiệc đầm ấm vào đầu năm là điều dễ làm, tuy nhiên đó lại là ước muốn xa xỉ của nhiều người. Trong đó, có người thầy giáo rời bỏ phố thị 13 năm để ở lại vùng núi xa xôi huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang lặng lẽ gieo chữ và lấy đồng lương ít ỏi nuôi 7 học trò nghèo.

Trong không khí se lạnh của những ngày đầu năm mới, chương trình Bốn mùa yêu thương đã đến với ngôi trường nhỏ ở miền rừng núi biên giới huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang để tìm hiểu về người thầy giáo dùng tiền lương ít ỏi để nuôi 7 học trò nghèo trong nhiều năm nay.

Trường tiểu học B An Hảo điểm phụ tọa lạc tại ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngôi trường nhỏ với chỉ 5 phòng học và khoảng 70 học sinh nằm lọt thỏm giữa 2 dãy núi Cấm và núi Dài. Cách đây 13 năm, thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Thắng cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tiểu học tại Đại học An Giang đến với trường tiểu học B An Hảo, ngôi trường đầu tiên mình được phân bổ về.

Thế nhưng, mọi tưởng tượng ban đầu nhanh chóng tan biến để nhường chỗ cho thực tế khác: một ngôi trường nghèo lụp xụp và thiếu thốn về mọi thứ, kể cả điện cũng không có.  Lúc ấy, anh dự định sẽ cố bám trụ 3 năm rồi chuyển về 1 ngôi trường nào đó có điều kiện tốt hơn. Ấy thế mà thời gian thấm thoát trôi, miền đất nghèo này lại có níu chân người thầy giáo trẻ suốt 13 năm trời...

Thầy Nguyễn Quốc Thắng tâm sự: “Điểm xuất phát từ nhà nông đi lên, tôi luôn cố gắng học để thành tài, và khi lên đây thì tôi thấy một phần nào mình của ngày xưa. Cộng thêm là tôi nghĩ tới các em, nghĩ tới học trò, nơi đây tuy buồn thật nhưng khi được bên lũ trẻ mình cảm thấy thời gian trôi rất nhanh, chẳng còn khoảng thời gian cho bản thân suy nghĩ về sự cô đơn hay lạc lõng nữa”.

Trải lòng về lí do ở lại suốt 13 năm qua để nuôi dạy trò nghèo, thầy Thắng cho biết anh muốn giúp đỡ, xóa bớt cái nghèo khổ về vật chất và tri thức mà trẻ em ở đây đang gặp phải. Từ đó các em có niềm hy vọng vào cuộc sống. Sau này các em chính là người sẽ giúp đỡ cho mọi người ở nơi đây.

Không ai có thể nghĩ tới việc một người thầy lại có thể hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho học trò nơi biên giới xa xôi này. Với đồng lương ít ỏi của nghề giáo viên và phải trang trải cho cuộc sống của bản thân cùng 7 “đứa con” nhiều khi thầy Thắng phải ứng trước lương rồi trừ lại vào tháng sau. Tuy nhiên, anh vẫn lạc quan nói: “Điều đó với tôi không quan trọng, quan trọng là các em được đến trường, học được con chữ”.

Chia sẻ về ước mơ đầu năm mới, ngoài việc mong muốn các em khoẻ mạnh, đến trường học giỏi và trường sẽ có điện để các em tiếp cận với tri thức dễ dàng hơn, thầy còn bộc bạch mong muốn từ lâu của mình nhưng chưa làm được: “Nhiều khi muốn tổ chức bữa tiệc đúng nghĩa cho đàn con của mình nhưng điều kiện cũng không cho phép nên mình vẫn chưa làm được”.

Ở ngôi trường nghèo này, việc đảm bảo bữa ăn mỗi ngày từ đồng lương ít ỏi của giáo viên đã khó. Vì vậy mà mong muốn tổ chức một buổi tiệc tân niên dành cho 7 đứa con để các con có một bữa ăn ngon đầu năm nghiễm nhiên trở thành một nhu cầu xa xỉ…

Một năm mới lại về, người Thầy giáo nghèo vẫn sẽ miệt mài với sự nghiệp trồng người thiêng liêng mình đã chọn. 7 đứa con của thầy, dù cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn nhưng vẫn sẽ giữ được niềm tin vào tương lai do người thầy, người cha của mình trao tặng.

 


Gửi bình luận

Gửi Làm lại

0.07543 sec| 1355.273 kb